2/11/08

sự tương hợp giữa các địa chi và thiên can (2)

Sự hợp hóa của thiên can biểu lộ một sự kết hợp nghiêng về một ngũ hành, một sự hội họp hay liên doanh khi xảy ra trong vận. Ý nghĩa của Can hợp chính là tâm tính của bản thân, như một "thiên mệnh" hoặc "nghiệp báu".
  • Giáp-Kỷ hợp trung chính, độ lượng.
  • Ất-Canh hợp nhân nghĩa, vị tha.
  • Bính-Tân hợp nhục dục, đầy sức sống.
  • Đinh-Nhâm hợp trung kiên, nghĩa khí.
  • Mậu-Quý hợp vô tình, hời hợt.
Mỗi một loại hợp trên đều có thể hóa khí mới trong điều kiện cho phép của mùa sinh và tâm tính hợp hóa đó chỉ xảy ra khi trải qua đại vận mang hành hóa mới. Thí dụ Ất-Canh hợp hóa Kim thành công trong trụ, đến vận Canh, Tân là cao điểm để thực nghiệm lòng vị tha và trung thành. Ngược lại, đối với hôn nhân lại có thể là thời điểm gãy đổ, ly thân hoặc ly dị.

Các chi hợp hóa thành công hay không cũng do mùa sinh. Thìn hợp Tỵ chỉ hóa Thủy vào mùa đông hàn khí tụ. Nếu có lục hợp này trong mùa hạ thì khi vào vận Nhâm, Quý, sự hóa hợp mới thành hình. Hỏa khí mới của Dần-Ngọ-Tuất rất yếu trong mùa đông, nhưng không phải là sự hình thành này không có ích lợi. Đến vận Bính, Đinh sẽ phát triển được sức mạnh này.

Khi kết hợp thành công sẵn trong tứ trụ, hành hóa khí mới sẽ đại diện cho 10 thần (Tài, Quan, Ấn, Tỷ, Thực). Vấn đề là khía cạnh nào của đời sống được thăng hoa hay bị xâm phạm tùy vào sự vượng hay nhược hay nhật chủ.

Chủ chốt của vấn đề hợp hóa còn do trụ mà Can hay Chi hợp. Nếu là trụ năm và trụ tháng thì việc xảy ra đối với gia đình, ông bà, cha mẹ, anh em ruột. Xảy ra ở trụ ngày là nói đến chồng, vợ, nhà ở và chính bản thân. Tại trụ giờ là liên hệ đến công việc, sự nghiệp và con cái.

Nếu Kiêu, Ấn bị ảnh hưởng bởi sự hợp hóa, vấn đề sức khỏe của bản thân hay cha mẹ ông bà sẽ xảy ra. Tỷ hoặc Kiếp được hình thành thì vào vận hóa sẽ có nhiều cuộc hội họp và bạn bè mới. Tài vận mà gặp hóa hợp thuận lợi thì sẽ có cơ hội phát tài. Nhưng phải nghĩ rằng nếu hành hóa mới là kỵ thần phá hoại thì có nguy cơ phá sản, các dự án không thành hình hoặc tang chế trong gia đạo.

sự tương hợp giữa các địa chi và thiên can (1)

Tương tự như xự xung khắc giữa 2 Can, khi 2 hoặc 3 Chi hợp với nhau, môn dự đoán qua tứ trụ nói đến sự liên đới của chúng như một tuần hoàn tự nhiên đại diện cho các khía cạnh của đời sống con người. Những khía cạnh đó được phân loại qua 10 thần (ten gods). Những "vị thần" này không phải Chúa, Thượng đế hoặc thần thánh nào cả, mà chỉ những đại diện cho các mặt đời sống của con người qua sự liên hệ từ Can ngày mà ra.

Những điều cần nắm căn bản về sự hợp lại của Can hoặc Chi:
  • Chỉ có 2 Can hợp với nhau hoặc hợp giữa 2 hoặc 3 Chi.
  • Không có việc Can hợp Chi hoặc Chi hợp Can.
  • CHI hợp mạnh hơn Can hợp.
  • CAN hợp với nhau chỉ xem như ở bề mặt và nông cạn.
  • Trong tứ trụ và vận hạn, khi xảy ra vừa có Chi hợp và Can hợp, sức mạnh nghiêng về loại Chi hợp.
  • Tam hội của Chi và Tam hợp mạnh hơn Lục hợp.
  • Sự tương hợp giữa các chi hoặc can không phải lúc nào cũng tốt. Nếu nhật chủ không thể chuyển sức mạnh của chúng thành hiện thực thì sẽ lĩnh hậu quả tai hại, bị lạm dụng, quấy rầy không yên. Đó là nói đến thân quá nhược hoặc ngũ hành của sự hợp hóa kia có tác hại đến dụng thần.
  • Gọi là bán tam hợp hay bán tam hội khi chỉ có 2 chi trong tam hợp hoặc tam hội được hình thành và chỉ có tác dụng khi chi thứ ba xuất hiện trong đại vận hoặc lưu niên. Khi có lực Xung xảy ra đồng thời trong tứ trụ, bán tam hợp không chế ngự được Xung hoàn toàn, trừ khi ngũ hành của sự hợp hóa là vượng khí làm cản trở lực Xung.
  • Sự hợp hóa của thiên can và địa chi nếu không có gốc là khí vượng trong mùa sinh thì sự hợp hóa yếu kém, không thành tựu. Giải thích dễ hiểu nhất cho việc hợp hóa có gốc hay không này là thành ngữ "mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân". Có nghĩa là nhân tố quyết định cho mọi sự thành công, dù là chính hay thiên, đều nằm ở nhân nguyên là Can tàng trong Chi.
1. Tam hợp dụng ngũ hành mạnh nhất. Chỉ có 4 hành hội tụ, không có hành Thổ.
  • Thân-Tí-Thìn, hành Thủy
  • Hợi-Mão-Mùi, hành Mộc
  • Dần-Ngọ-Tuất, hành Hỏa
  • Tỵ-Dậu-Sửu, hành Kim
2. Tam hội dụng mùa mạnh nhất.
  • Dần-Mão-Thìn, mùa Xuân
  • Tỵ-Ngọ-Mùi, mùa Hạ
  • Thân-Dậu-Tuất, mùa Thu
  • Hợi-Tý-Sửu, mùa Đông
3. Lục hợp dụng sức mạnh của thiên can có thể hóa ngũ hành được hợp nhất trừ 2 chi Ngọ-Mùi
  • Tý-Sửu > Thổ
  • Dần-Hợi > Mộc
  • Mão-Tuất > Hỏa
  • Thìn-Dậu > Kim
  • Tỵ-Thân > Thủy
  • Ngọ-Mùi
Các sự hợp và hóa tìm thấy trong tứ trụ gọi là Nội hợp. Nếu xảy ra giữa tứ trụ và đại vận, hoặc lưu niên thì xem là Ngoại hợp. Vì xảy ra ở vận hạn nên ngoại hợp không nhất thiết có tác động lên chính bản thân mà phải xem 10 thần đại diện. Đôi khi cha mẹ, vợ chồng, con cái là những đối tượng của sự tác hợp đó.

Thiên can hợp hóa dụng sức mạnh của ngũ hành:
  • Giáp-Kỷ hóa Thổ
  • Ất-Canh hóa Kim
  • Bính-Tân hóa Thủy
  • Đinh-Nhâm hóa Mộc
  • Mậu-Quý hóa Hỏa

1/11/08

cường vượng hay suy nhược (1)

Khi nói đến thân vượng hay thân nhược trong tứ trụ, điều cần hiểu rõ là không phải đếm số lượng (quantity) Can, Chi bao nhiêu mà chính là tính chất (quality) của cả tứ trụ. Có hai trọng điểm ở sự quyết đoán này là thứ nhất, tứ trụ khi được sinh ra cường hay nhược, thứ nhì là có được cứu, được bổ xung, được trung hòa hay không. Cho dù tứ trụ là thân cường vượng hoặc thân suy nhược cũng chưa vội mừng hoặc lo lắng, vì còn xét đến vận hạn có khi không nhập vào trạng thái thích hợp.

Tứ trụ kể như là tiên thiên tiền vận, mà hậu vận là các năm sẽ trải qua mới là những quan ngại của đời người. Tiền vận tốt là cơ bản cho hậu vận, nhưng đại vận xấu, lưu niên xấu thì tình trạng của công danh sự nghiệp, sức khỏe, gia đạo, tình duyên, con cái ... cũng trắc trở ì ạch. Tiền vận xấu nhưng biết tránh được các năm xấu hoặc vận hạn vào những thời kỳ tốt thì cuộc sống vẫn sung túc ấm êm. Nhưng tiền đề tốt đẹp cho cả hai loại thân Vượng hay thân Nhược chính là những nhận thức khác như giáo dục, đạo đức và môi trường sinh hoạt của gia đình xã hội. Thiếu những yếu tố "hạ tầng" này, không có một cơ sở nào xây trên nó được vững bền.

Nhắc lại là một lỗi lầm quan trọng nhất thường gặp phải là đếm số lượng các Can Chi trên tứ trụ. Không phải có nhiều Tài tinh là giầu có, là trở nên giầu sụ. Thí dụ như tứ trụ sau đây.

năm: bính thìn, mậu, quí, ất
tháng: đinh dậu, tân
ngày: bính tuất, mậu, đinh, tân
giờ: tân mão, ất

Nếu đếm các can thì nhật can Bính dễ được cho rằng không suy nhược vì có Mộc thụ ấn và nhiều Hỏa tương trợ. Vì thế nên cho rằng thân vượng có thể gánh tài, nghĩa là giầu có. Tài tinh trong tứ trụ là Tân kim và Dậu, Dậu Thìn lại là lục hợp. Dễ phán đoán rằng khi vào vận Canh Tý sẽ giàu có lên vì cho rằng Tài là dụng thần. Thực tế thì không như vậy. Tại sao?

Bính hỏa này thật sự ra phải phán đóan trước hết là sinh trong mùa Thu, tiết Bạch lộ, kim vượng, hỏa trong trạng thái hưu tù. Bính là dương hỏa, là ánh sáng của mặt trời. Có khi nào Ất mộc làm cho mặt trời sáng lên không? Bính hỏa lại sinh vào giờ Mão (từ 5 giờ đến 7 giờ sáng) là giờ khắc còn lờ mờ, chưa sáng tỏ. Người mang Bính hỏa này trong thân có thể cho rằng tính tình rất rụt rè, nhút nhát.

Khi Bính hỏa suy nhược thì không thể kiểm soát đuợc Tài tinh Kim đang vượng trong mùa sinh. Vận Canh Tý đến, trước hết là xét Canh có được thông gốc hay không, xung khắc của Canh và nhật chủ, sau xét tương sinh hình hại của địa chi Tý với các chi khác trong tứ trụ.

Ta thấy Bính hỏa suy nên rất sợ Canh vì hỏa yếu không luyện đuợc kim. Tý chứa Quý thủy, làm cho Canh tiết giảm, Tý lại hợp với Thìn, phá Dậu, hình Mão. Trong vận này không nên mạo hiểm với tiền tài cơ nghiệp.

Tý chứa Quý còn nói lên hình ảnh của mây mù che khuất ánh sáng của mặt trời. Chính Quý đã làm cho Bính hỏa thân đã nhược lại suy thêm trong vận Canh Tý này. Trong tứ trụ này, Quý là kỵ thần của Bính.

Còn có một yếu tố "cứu" được Bính hỏa và giải thích Kim vượng trong trụ này có ích lợi, đó là Tài tinh cũng đại diện cho người vợ. Tài tinh mà vượng hơn nhật chủ trong tứ trụ, có thể nhận định rằng người vợ có năng lực hơn người chồng và vì thế, nếu những yếu tố khác cũng hòa hợp, đương số Bính hỏa này vẫn bình yên.

can tàng chứa trong chi: chìa khóa để giải mã

Thời khí ở trên cao nguyên chất, trong sạch , ta gọi là Can (heavenly Qi). Khí ở trái đất (earthly Qi) thì tinh vi phức tạp, ta gọi là Chi. Khí trời hòa với khí đất càng xuống thấp càng nhanh nên phân biệt ra đến tận phút, tận giây được. Địa chi vì thế chứa tạp khí trong nó vì chúng xoay chuyển trong cùng một chu kỳ. Ta thấy trong cùng một tháng không phải ngày nào cũng giống nhau, trong cùng một ngày có sáng có tối, sự chuyển đổi sang khí chủ khác cũng không phải là tùy tiện mà theo một quá trình xoay vần nhất định, vì thế có can tàng làm chủ ít nhất là 3 ngày và nhiều nhất 18 ngày như những ngày chuyển sang mùa khác.

Tại sao chỉ có tối đa 3 can tàng trong chi được viết ra? Vì dự đoán tứ trụ trong việc mưu tìm nhân nguyên tốt là tìm những yếu tố tốt nhất và hiểu được các tương tác của chúng với nhau hầu giải mã được những dự đoán có lợi nhất. Vì thế mà phải hiểu rằng đối cực của các yếu tố tốt đẹp không có này đã nằm sẵn trong tứ trụ, không đâu xa lạ, chính là khi các vận hay hạn đến gọi là xấu hay trung hòa. Gọi là giải mã chính là điều này.

Can tàng chứa trong Chi vì thế có thể không mang thuộc tính âm dương như Chi, thí dụ như Ngọ là dương hỏa, bản khí của nó là Đinh âm hỏa. Trong khi Dần là dương Mộc, bản khí của nó là Giáp dương mộc. Bản khí là nơi mà Can đó cùng Chi thịnh vượng nhất. Nhưng nếu so với tiết khí của mùa sinh, bản khí có thể bị bệnh hay suy nhược. Lý do này giải thích vì sao phải lấy các Can trong trụ so với Chi tháng.

Làm sao có thể nhớ các can tàng trong Chi? Mỗi người có một cách riêng, nhưng để liên hệ giữa các nhóm với nhau và đặc điểm của chúng, dễ thuộc nhất là chia 12 địa chi thành 3 nhóm:

1. Tứ Sinh (the four growths)
  • Dần, giáp, bính, mậu
  • Thân, canh, nhâm, mậu
  • Tỵ, bính, mậu, canh
  • Hợi, nhâm, giáp
2. Tứ Bại (the four cardinals)
  • Tý, quí
  • Ngọ, đinh, kỷ
  • Mão, ất
  • Dậu, tân
3. Tứ Mộ (the four graveyards)
  • Thìn, mậu, ất, quí
  • Tuất, mậu, tân, đinh
  • Sửu, kỷ, quí, tân
  • Mùi, kỷ, đinh, ất
Nhận xét Tứ Sinh tòan can tàng là dương, Tứ Bại tòan can tàng âm, Tứ Mộ có can tàng thuần âm, trừ Thìn Tuất bản khí là dương thổ. Tứ Mộ còn gọi là "kho" vì thời này tàng chứa thừa khí trước khi chuyển sang mùa khác.

thập nhị địa chi (12 chi)

Thông thường người ta nhớ Chi là 12 con vật khi nói đến Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Nhưng khi luận bàn đến tứ trụ hãy bỏ qua hình ảnh quen thuộc của chuột, trâu, hổ... mà chỉ nghĩ rằng Tý là một khoảng thời gian chứa khí (Qi) trong mùa. Địa chi chứa Khí nhiều hơn Can, vì chúng đại diện cho một khu vực trong quỹ đạo của trái đất xoay quanh mặt trời. Trong khi Can được gọi là Thiên khí; khí lưu tràn khắp nơi (prevailing Qi), không đâu là không có, địa chi được tụ họp lại thành một chu kỳ của thời tiết gọi là "mùa".

Tuy nhiên, từ ngữ MÙA trong "mùa sinh" của tứ trụ không ám chỉ tuyệt đối đến thời tiết cho dù được chuyển hóa từ hiện tượng tự nhiên đang xảy ra. Tứ trụ là một sự quan trắc có tính cách hiền triết (sages' observation of the seasons) và biểu lộ sức mạnh hay suy nhược của một sinh vật đang vận hành theo xung lượng chung quanh. Vì thế Tứ Trụ có thể áp dụng căn bản vào tất cả mọi người trên trái đất dù ở vùng ôn đới hoặc nhiệt đới.

Các địa chi được phân ra theo mùa như sau và được xem là sự hội tụ mạnh nhất trong luận đoán.
  1. Mùa Xuân: Dần, Mão, Thìn
  2. Mùa Hạ: Tỵ, Ngọ, Mùi
  3. Mùa Thu: Thân, Dậu, Tuất
  4. Mùa Đông: Hợi, Tý, Sửu

thập can (10 thiên can)

  • Giáp là Mộc, dương tính, ví như một cây to cao, khúc gỗ, thể chất cứng, thô, chưa gọt dũa, xù xì.
  • Ất là âm Mộc, là hoa, cành, lá, cỏ, mềm dẻo, dễ uốn nắn, thuần tính.
  • Bính, dương Hỏa, mặt trời, sức nóng, ấm áp, nuôi dưỡng vạn vật, chiếu sáng chan hòa.
  • Đinh, âm Hỏa, đèn cầy, than đang cháy, rọi sáng một không gian nhỏ, trong bóng đêm rất cần.
  • Mậu là dương Thổ, hình ảnh của núi, tảng đá, nặng nề, ổn định, như thuộc tính của sự kiên quyết, bất khuất, ngăn chặn được thủy và hỏa.
  • Kỷ, âm Thổ, là đồng ruộng, đất mềm, ướt, núi lửa, tính hung hăng, sục sôi nhưng dễ bị nước khống chế.
  • Canh, dương Kim, quặng, mỏ kim loại, thanh kiếm, rìu nặng, thô kệch, mạnh mẽ, cắt đứt là thuộc tính cơ bản.
  • Tân là âm Kim, là vàng, bạc, nữ trang, ý nhị, sắc đẹp và lôi cuốn.
  • Nhâm, dương Thủy, đại dương, thác nước, sông chảy xiết, luôn manh động và đe dọa.
  • Quý, âm Thủy, hình ảnh của sương mù, mây xám, mưa phùn gió bấc, tinh vi, khó thấy, tinh tế.
Các hình tượng và trạng thái biểu lộ tính chất của một Can chỉ tốt đẹp khi hài hòa với các Can Chi khác. Nếu bất cập hoặc thái quá thì tính chất đảo ngược hòan toàn. Cần phải phân biệt Âm hoặc Dương của Can vì hai mặt thuộc tính này đối xung nhau trong một tuần hoàn nhất định. Nhưng chúng đồng thời có mặt và hỗ trợ nhau để sinh tồn vì không có vật nào thuần dương hay thuần âm mà tồn tại lâu bền.

Nhớ tên của Can, âm dương, ngũ hành và hình ảnh thuộc tính của chúng là bước đầu giải mã bốn cột trụ ngày tháng năm và giờ sinh, trong đó CAN NGÀY (day master) là chủ chốt quyết đoán thân mệnh. Nhưng phải hiểu rằng NHẬT CHỦ không phải chỉ là Can ngày, nó chính là bản thân mình, đại diện cho tính khí tự nhiên, nét đặc sắc, tư cách và cả dáng vẻ bề ngoài khi hòa hợp với các trụ khác.

Nếu sinh vào ngày Giáp thì gọi nhật chủ là Giáp, tính khí chủ chốt vẫn là cứng cỏi, nhưng nam giới khác nữ giới, so với các trụ khác, còn phải dự đoán là thân vượng hay nhược.

tứ trụ là gì?

Tứ trụ, những cột đại diện cho một đời người, còn gọi là bát tự gồm bốn Can và bốn Chi. Can là thiên, Chi là địa, các can tàng dưới Chi là nhân nguyên. Dùng Lục thập hoa giáp (sexagenary cycle) qua lịch âm-dương hiện hành để xác định và chuyển đổi ngày tháng năm giờ sinh ra Can Chi. Kết hợp 6 chu kỳ hàng can cùng với 5 chu kỳ hàng chi và âm dương ngũ hành là sự giải mã mọi việc trong trời đất, trong đó có cuộc đời của con người vì chúng ta chỉ là một phần sinh tử trong muôn loài. Bởi thế nếu chỉ tập trung vào dự đoán cho bản thân mà quên đi sự hòa hợp với vạn vận là một điều sai lầm nghiêm trọng.